Ngành Marketing: Học gì, học ở đâu và triển vọng nghề nghiệp

Content Marketing text on paper. Word Content Marketing on torn paper. Concept Image.

Marketing là một trong những ngành học phổ biến bậc nhất và không bao giờ lỗi thời vì đây là khâu quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Nếu bạn không rõ Marketing là gì thì hãy đọc ngay bài viết dưới đây để phần nào nắm được những thông tin cơ bản về ngành.

 

Marketing là gì?

Định nghĩa một cách nôm na, marketing là tên gọi chung của tất cả những hoạt động do người bán hàng hoặc doanh nghiệp thực hiện nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua hàng để thu về lợi nhuận. Để dễ hiểu hơn, bạn có thể tham khảo tình huống thực tế như sau: Bạn vào siêu thị mua sắm thì vô tình thấy quầy trưng bày sản phẩm xúc xích vừa mới ra mắt với chương trình ăn thử miễn phí. Bạn đến ăn thử một lát xúc xích thì thấy hợp khẩu vị nên quyết định mua một gói xúc xích mang về. Trong trường hợp này, việc thương hiệu xúc xích dựng quầy trưng bày, cho bạn ăn thử rồi cuối cùng bán hàng cho bạn chính là hoạt động marketing.

 

Ví dụ quen thuộc hơn nữa, mỗi lần bạn lướt Facebook chắc chắn đều ít nhiều thấy ai đó thực hiện livestream để bán hàng. Người nào chào hàng càng có duyên thì càng được nhiều người xem, like và share. Ai thích món nào trong buổi livestream thì có thể bình luận tức thời để đặt hàng ngay. Việc người bán hàng làm livestream, giới thiệu sản phẩm, tương tác với khách để chốt đơn hàng chính là hoạt động marketing.

 

Thông qua hai ví dụ trên, bạn cũng có thể phần nào thấy được để bán được hàng có rất nhiều cách nên marketing nhìn chung là một lĩnh vực rất rộng. Các hoạt động marketing có thể diễn ra ngoài thực tế, trên mạng, trên truyền hình hoặc bất kỳ công cụ truyền thông nào khác. Phương pháp để marketing cũng muôn hình vạn trạng, từ đơn giản như phát tờ rơi ở ngã tư đường cho đến các chiến dịch trị giá triệu đô có sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng. Nếu tìm hiểu sâu xa hơn, bạn sẽ biết Marketing còn có mối liên hệ tương hỗ với hai lĩnh vực khác là PR (public relations) và Quảng cáo (Advertising).

 

 

Tại sao nên học Marketing?

Lựa chọn học tập đa dạng

Vì Marketing là ngành học phổ biến nên hầu như trường đại học nào cũng có chương trình đào tạo. Khi chọn học Marketing, bạn sẽ có vô vàn lựa chọn để cân nhắc xem học ở đâu phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình. Nếu có điều kiện, bạn hoàn toàn có thể chọn phương án du học từ Âu sang Á. Ngay cả khi bạn không có khả năng học đại học thì vẫn có nhiều khóa học ngắn hạn hoặc các chương trình tự học trên Coursera hay Udemy để bạn tham khảo.

 

Nguy cơ thất nghiệp thấp

Dù kinh tế có suy thoái đến đâu thì các công ty hoặc doanh nghiệp vẫn phải thuê người làm các công việc marketing vì đây là hoạt động quan trọng đem lại lợi nhuận cho công ty nên sau tốt nghiệp bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Không những thế, với kiến thức marketing, bạn hoàn toàn có thể học thêm quản trị kinh doanh để tự gầy dựng doanh nghiệp cho mình.

 

Ngành của… mọi ngành

Với kiến thức marketing, bạn có thể dấn thân vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Nếu bạn muốn gia nhập thế giới giải trí, hãy làm MAKETING PHIM . Nếu bạn thích lĩnh vực sức khỏe, cứ thoải mái nộp hồ sơ cho vị trí marketing tại các trung tâm thể dục. Còn bạn lỡ mê môi trường làm đẹp xa hoa thì các thương hiệu mỹ phẩm luôn chờ đón hồ sơ của bạn.

 

 

Học marketing là học gì?

Trong quá trình học, ngoài những kiến thức nền cần thiết về kinh tế, kinh doanh hay thậm chí là tâm lý tiêu dùng thì bạn sẽ còn được hướng dẫn cách lên kế hoạch cho một chiến dịch marketing cụ thể như phân tích thị trường, lên ý tưởng thực hiện chiến dịch, phân bổ ngân sách, thực hiện kế hoạch và đánh giá hiệu quả. Nghe thì đơn giản nhưng từng bước trong việc lên kế hoạch marketing có 1001 cách thực hiện tùy vào từng trường hợp cụ thể nên bạn phải tìm hiểu cặn kẽ để có thể áp dụng đúng cách.

 

Ngoài kiến thức Marketing, bạn có thể sẽ được giới thiệu thêm về các ngành liên quan như Quảng cáo, Quan hệ công chúng hay Tổ chức sự kiện vì người học Marketing hoàn toàn có thể đá chéo sân sang các lĩnh vực này.

 

Bạn có thể tham khảo chương trình học Cử nhân ngành Digital Marketing của trường RMIT như sau:

 

Năm 1:

  • Introduction to Management
  • Business Computing
  • Marketing Principles
  • Business Statistics
  • Digital Business Development
  • Business Discipline Minor
  • Consumer Psychology and Behaviour

 

Năm 2:

  • Digital Content Creation
  • Marketing Intelligence
  • Digital Marketing Communications
  • Social Media and Mobile Marketing
  • Global Branding

 

Năm 3:

  • Internship
  • Digital Marketing Strategy and Planning

Cần kỹ năng gì để học tốt ngành Marketing?

Viết, viết và viết

Bạn nên chuẩn bị tinh thần sẽ phải “múa bút” khá nhiều khi chọn học marketing như viết kế hoạch, viết nội dung marketing và tất nhiên là viết báo cáo. Nếu bạn du học marketing thì phải viết toàn bộ những cái trên hoàn toàn bằng tiếng Anh. Viết là một kỹ năng rất quan trọng không chỉ khi bạn học mà cả trong công việc sau này.

 

Nói trước công chúng

Thuyết trình về kế hoạch marketing của bạn là điều chắc chắn sẽ có trong quá trình học. Nếu bạn là người rụt rè thì nên cố gắng cải thiện vì nếu bạn không có khả năng thuyết phục người khác tin vào tiềm năng của kế hoạch bạn đưa ra thì rất khó có thể thành công trong ngành.

 

Thường xuyên cập nhật xu hướng

Các kiến thức marketing luôn đổi mới mỗi ngày nên bạn cần chủ động tìm hiểu những biến động trong ngành để luôn đi kịp với thời đại. Việc theo dõi cách người khác làm marketing để học hỏi cái hay và cả cái dở của họ cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của bạn sau này.

 

 

 

 

Học marketing có thể làm gì?

Nếu chọn đầu quân vào công ty, một số vị trí bạn có thể làm liên quan đến lĩnh vực marketing như sau:

  • Content writer (Người viết nội dung): Phụ trách nội dung của doanh nghiệp từ bài viết trên web, nội dung email, nội dung fanpage, hồ sơ công ty, kịch bản video, vân vân
  • Sale (Bán hàng): Tìm kiếm khách hàng và thuyết phục họ sử dụng sản phẩm của công ty
  • Video Edior: Phụ trách quay dựng clip cho doanh nghiệp. Với vị trí này bạn cần có thêm kỹ năng quay dựng video.
  • Event Planner (Chuyên viên tổ chức sự kiện)
  • Brand Manager (Quản lý thương hiệu): Quản lý mọi hoạt động marketing của một thương hiệu
  • Public Relations Manager (Quản lý Quan hệ công chúng)

 

Trong trường hợp bạn muốn mở lối đi riêng thì có thể trở thành blogger hay content creator với trang web hoặc kênh cá nhân của mình. Nhiều bạn trẻ đã thành công khi chọn con đường sáng tạo nội dung trên mạng và kiếm thu nhập hậu hĩnh từ quảng cáo.

 

 

Thu nhập của ngành Marketing như thế nào?

Tùy thuộc vào vị trí và kinh nghiệm của bạn mà thu nhập sẽ khác nhau. Bạn có thể tham khảo mức thu nhập bình quân theo năm của các công việc Marketing do U.S. Bureau of Labor Statistics tổng kết trong giai đoạn 2018 – 2019 như sau:

 

Chuyên viên Marketing 62,560 USD
Chuyên viên nghiên cứu thị trường 62,560 USD
Quản lý bộ phận quảng cáo 100,810 USD
Quản lý quan hệ công chúng 120,420 USD
Quản lý hoạt động marketing 131,180 USD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *