NHỮNG LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT NỔI TIẾNG CỦA TRUNG QUỐC

Là một quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử, Trung Quốc sở hữu cho mình một nền văn hóa đồ sộ và vô cùng phong phú. Để tìm hiểu hết nền văn hóa độc đáo này không thể chỉ một, hai ngày là có thể xong. Nên hãy điểm sơ qua một vài loại hình đặc trưng nhất của quốc gia này nhé.

Nghệ thuật cắt giấy

Một loại hình nghệ thuật rất đặc trưng của văn hóa Trung Quốc mà nhiều người biết đến đó là Cắt giấy. Chắc hẳn chúng ta cũng đã quen với hình ảnh chữ song hỉ xuất hiện các đám cưới, chữ Phúc màu đỏ được dán trên tường… Đó đều là xuất phát từ nghệ thuật cắt giấy Trung Quốc nổi tiếng lâu đời.

Với đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân Trung Quốc dùng dao hoặc kéo để khắc hoa văn, hình ảnh trên giấy. Ban đầu nghệ thuật cắt giấy được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động tín ngưỡng thờ cúng, đuổi tà ma, và trong các dịp lễ tết, đám cưới để đem lại niềm may mắn. Đến sau này, nghệ thuật cắt giấy phát triển và nó được sử dụng như vật trang trí độc đáo.

Trà đạo

Khi xem các bộ phim cổ trang Trung Quốc, người xem dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nhân vật trong phim đang pha trà, thưởng thức chén trà một cách rất nho nhã, lịch thiệp. Nghệ thuật trà đạo tại Trung Quốc đã có hàng ngàn năm lịch sử, mỗi chén trà như chứa đựng cả một nền văn hóa. Ở Trung Quốc, trà được tôn vinh là “quốc ẩm”, đi chung với cầm, kỳ, thư, họa, thi, tửu.

Trung Quốc là quốc gia sớm nhất trên thế giới khám phá và sử dụng lá trà, vậy nên có rất nhiều loại trà nổi tiếng như: trà thiết quan âm, trà long tỉnh, trà ô long, trà phổ nhĩ, trà hoa nhài… Cách thưởng thức trà ở mỗi địa phương cũng không giống nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Khi thưởng trà cần chú trọng 5 nội dung gồm chè đạt chất lượng cao, nước pha trà đạt yêu cầu, độ nóng vừa phải, bộ đồ pha chè tốt, môi trường thưởng thức trà tốt. Theo phong tục văn hóa trà đạo của người Hoa “khách đến kính trà”, chén trà chính là tượng trưng cho lễ nghĩa ,sự hiếu khách, trọng tình của con người nơi đây dù đó là ở nông thôn hay thành phố sang trọng đi chăng nữa.

 

Kinh kịch

Những câu ngâm khúc kéo dài, những khuôn mặt được hóa trang một cách kỳ lạ nhưng không kém phần tỉ mỉ là những đặc trưng của loại hình nghệ thuật nổi tiếng này.

Kinh kịch là một thể loại ca kịch của Trung Quốc hình thành và phát triển mạnh tại Bắc Kinh vào thời vua Càn Long của vương triều nhà Thanh. Nguồn gốc của nó là ở phía nam An Huy và phía đông Hồ Bắc, có chung một phương ngữ tiếng Quan Thoại Hạ Giang với hai giai điệu chính là Tây bì và Nhị hoàng. Kinh kịch là một thể loại diễn tuồng bao gồm ca múa (ngâm khúc kèm theo nghệ thuật vũ đạo), thậm chí có cả các loại tạp kĩ pha trộn như kể chuyện, các màn nhào lộn, xiếc, diễn hoạt kê (tiếu lâm khôi hài), đối thoại trào lộng và võ thuật.

Có người nói rằng: “Một khi đoạn hí bắt đầu, bát phương đến nghe, một bên là người, ba bên là quỷ, bốn bên là thần minh. Do vậy, một khi đã bắt đầu hát không thể dừng giữa chừng, không có người nghe cũng không có nghĩa là quỷ thần không nghe.” Vì vậy bạn không nên ngạc nhiên khi nghệ nhân diễn kinh kịch vẫn diễn trên sân khấu dù cho ở dưới không có vị khán giả nào.

Ngày nay, loại hình nghệ thuật này không còn phổ biến như thời xưa nữa, nhưng nó vẫn tồn tại và là một điểm thu hút khách du lịch đến với Trung Quốc, cũng càng ngày càng có nhiều bạn trẻ Trung Quốc quan tâm đến nó.

 

Thư pháp

Trung Quốc là đất nước duy nhất sử dụng văn bản cổ đại như nghệ thuật, được gọi là thư pháp. Từ việc phát minh chữ viết của tổ tiên, dần dần trở thành thư pháp, thư pháp là sự tổng hợp của chữ viết và nghệ thuật. Bắt đầu từ chữ giáp cốt (chữ khắc trên mai rùa) của triều nhà Thương, kim văn của thời nhà Chu, văn thạch khắc, đến chữ triện của nhà Tần, chữ lệ của thời Hán, từ Đông Phổ đến triều Đường có khải thư, hành thư, thảo thư. Nghệ thuật thư pháp Trung Quốc đạt đến mức độ trường thành và phồn vinh. Có 5 loại thư pháp cơ bản của thư pháp Trung Quốc đó là: lệ thư, triện thư, khải thư, hành thư và thảo thư.

 

Thêu thùa

Thêu thùa là một nghệ thuật dân gian truyền thống của Trung Quốc với ít nhất 2000 năm đến 3000 năm lịch sử. Vải thêu chủ yếu là lụa tơ tằm. Công nghệ thêu thùa của Trung Quốc đã đạt đến một trình độ cực kì cao cấp trong triều đại Tần Hán. Đây là một trong những mặt hàng trong lịch sử của “Con đường tơ lụa”.

 

Gốm sứ

Sứ là một trong những phát minh của người Trung Quốc, đóng góp to lớn của quốc gia Trung Quốc cho nền văn minh thế giới. Công nghệ sản xuất sứ của Trung Quốc đã lan rộng ra các nước trên thế giới và đã có những đóng góp quan trọng trong việc trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và các nước khác. Trung Quốc giành được danh hiệu “thế giới sứ quốc”.

 

Văn hóa Trung Quốc còn rất nhiều điều đáng để tìm hiểu. Nếu có cơ hội, hãy một lần sang đến đất nước ấy để trải nghiệm một cách chân thực nhất các bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.